Nói về việc trường hợp gửi xe qua đêm ở khách sạn Fortuna bị thu 1 triệu đồng, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, vấn đề ở đây là khách sạn có quyền xử phạt không, và căn cứ vào đâu để phạt.
Liên quan đến vụ việc anh Tr. Th. Ch. gửi xe máy qua đêm tại khách sạn Fortuna và bị thu 1 triệu đồng, qua đó, phía khách sạn cho rằng đây là tiền phạt, luật sư Bùi Đình Ứng cho hay, nếu nói phạt thì phải có vi phạm và phải có quyết định xử phạt. Quyết định đó phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Không có công dân nào, hay tổ chức nào đặt ra quyền phạt.
Trong trường hợp khách sạn có thông báo, tài xế vẫn cố tình đưa xe vào thì cũng không có quyền xử phạt, bởi khách sạn căn cứ vào điều gì, trên cơ sở hành vi gì?
Theo luật sư Ứng, trường hợp không đồng ý, khi người gửi xe máy cố tình đi vào thì nhân viên của khách sạn có thể báo tới cơ quan chức năng để cẩu đi, chuyển ra bãi. Nếu đồng ý cho để xe vào trong rồi thì không thể phạt được.
“Khi ta nói đến xử phạt, nghĩa là xử phạt vi phạm hành chính, mà trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính, không có quy định nào cho doanh nghiệp có quyền ra quyết định xử phạt”, luật sư Ứng cho hay.
“Chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được xử phạt. Khách sạn chỉ tự ý đặt ra, không được cơ quan nào cho phép, không đúng quy định pháp luật. Họ phạt 1 triệu, nhưng nếu là 5 triệu, 10 triệu thì sao? Nếu ép buộc người ta nộp tiền hoặc họ không có tiền thì sao, rất có thể có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản” – luật sư Ứng phân tích.
Còn theo luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Công ty luật Quốc tế Thiên Việt, khách sạn đề ra các biện pháp phạt này nhằm ngăn ngừa là tốt, tuy nhiên việc phạt đó có được coi là thảo thuận dân sự hay không thì cần phải làm rõ; đồng thời cũng cần làm rõ số tiền phạt đó có được hạch toán vào doanh thu của doanh nghiệp hay không?
Luật sư Ngọc nêu quan điểm, việc thu – phạt theo thỏa thuận dân sự là không sai nhưng đã là thỏa thuận dân sự thì cần phải minh bạch hóa, thông tin phải rõ ràng cho bên còn lại, kể cả đối với việc thưởng phạt? Và trường hợp nếu thu (kể cả khoản phạt như đã nêu) mà doanh nghiệp không tính vào doanh thu của khách sạn thì có thể xem xét đến hành vi trốn thuế.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Công an phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, hiện vẫn chưa nhận được đơn thư nào của người dân liên quan đến việc thu tiền như phản ánh.
“Nếu có đơn trình báo, phía công an sở tại sẽ có trách nhiệm và mời các bên liên quan đến để làm rõ việc đúng sai”, vị lãnh đạo này nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này thì trong năm 2017, phía công an phường chưa giải quyết bất cứ một trường hợp nào liên quan đến việc thu tiền phạt của khách sạn này.